Con ngán là loài nhuyễn thể, hai mảnh vỏ sống ở vùng nước mặn và nước lợ. Loại ngán to chỉ có tại khu vực cửa sông Bạch Đằng nơi giáp ranh giữa Quảng Ninh và Hải Phòng.
1. Con ngán trông như thế nào?
Con ngán thường có kích thước nhỉnh hơn con ngao, vỏ sần sùi màu trắng và sống sâu dưới bùn. Khi ở dưới nước, ngán thường thò chiếc xúc tu to và dài để thở và kiếm thức ăn. Lúc mặt nước động, sóng sánh là con ngán chui nhanh xuống bùn để lẩn trốn.
Ngán giàu dinh dưỡng, thịt ngán có các chất protid, glucid, lipid, nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết. Hơn nữa thịt ngán có chứa những hợp chất có tác dụng giải phóng hormone sinh dục khi được cơ thể hấp thụ.
Vào mùa ngán, ngư dân thường phải lội rất sâu dưới bùn mới có thể móc được con ngán, vì thế nghề này đòi hỏi sự kiên trì lớn. Nhiều người nhận xét rằng không ở đâu ngán ngon được như ngán sống tại khu vực cửa sông Bạch Đằng nơi giáp ranh giữa tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng.
2. Chế biến món ngon từ ngán
Ngán được người dân Quảng Ninh chế biến đa dạng các món khác nhau, ngán nướng, ngán hấp, cháo ngán, gỏi ngán, miến xào ngán, bún xào ngán, canh ngán rau mùng tơi và cả rượu tiết ngán.
Tên ngán, nhưng khi ăn vào lại không ngán bao giờ. Món khai vị trong bữa thường là rượu tiết ngán, ngán sống được tách vỏ, tiết chảy xuống rượu tạo màu đỏ máu. Rượu tiết ngán uống mãi không say, lại là một thứ rượu bổ dưỡng cho nam giới.
Nếu ngại uống sống, người ta sẽ hâm nóng rượu và món đó được gọi là rượu sakê ngán, không còn mùi tanh của ngán sống. Ngán có thể nướng hoặc hấp, khi hấp ngán thường được buộc chặt bằng dây để tránh bị mất nước bên trong con ngán.
Hiện nay vẫn chưa nơi nào nuôi được ngán với quy mô rộng rãi, con ngán từ cửa sông Bạch Đằng trở nên hiếm hoi, du khách ra chợ Hạ Long – Quảng Ninh dễ dàng bắt gặp ngán to, màu đẹp nhưng thường ngán đó nhập từ miền Nam ra và có vị nhạt hơn ngán bản địa.